0909.055.286

[[tintuc]
Tôi trở lại du lịch TP Hà Giang sau 11 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tham quan vùng cực bắc địa đầu tổ quốc Lũng Cú và cũng là lần đầu tiên đến với dinh thự vua Mèo. Vốn chỉ là đi thăm quan cùng gia đình nên cũng không có đủ thời gian và điều kiện để khảo sát về phương diện phong thủy của ngôi nhà nổi tiếng này, mà chỉ có thể gọi là đánh giá sơ lược những gì quan sát được tại chỗ.

Khu dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.  Dinh thự có diện tích gần 3000m2 được khởi công năm 1919 và hoàn thành năm 1928. Tương truyền trước khi xây dựng, vua Mèo đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy để sang giúp mình chọn đất trong 4 huyện quản hạt của mình để tìm ra nơi phong thủy tốt nhất. Cuối cùng thầy phong thủy đã chọn cho vua Mèo cuộc đất nằm giữa thung lũng thôn Sà Phìn. Theo tài liệu ghi chép lại thì tại đây có cuộc đất nổi lên cao hình như mu rùa, tượng trưng cho thần Kim Quy nên là địa huyệt tốt – vượng khí…


Theo hình ảnh vệ tinh chúng ta thấy, rõ ràng một điều rằng cuộc đất này là đẹp nhất, khả thi nhất trong phạm vi địa bàn của vua Mèo bấy giờ. Gò đất nổi lên ở giữa thung lũng, được bảo bọc hộ vệ bởi các ngọn núi xung quanh, giống như “ quần tinh ủng nguyệt thướng thu san “ ( bài thơ Tảo Giải – HCM ), cũng giống như lớp lớp cánh hoa bảo bọc xung quanh, gò đất được nằm chính giữa trung tâm nhụy hoa của bông hoa sen, lại cũng giống như chỗ ngồi của bậc đế vương có quần tinh bảo vệ. 


Như Tuyết Tâm Phú ( t/g Bốc Tắc Ngụy ) viết : Trọng trọng bao quả hồng liên biện – huyệt tại hoa tâm. Phân phân củng vệ tử vi viên – tôn cư đế tọa. Cũng phải nói thêm rằng toàn bộ địa phương này là một vùng đất khô hạn, hữu sơn vô thủy nên không thể là nơi phát phúc lâu dài vạn đại, nhưng trong điều kiện địa phương quản hạt của vua Mèo thì đây là nơi tốt nhất về phong thủy để xây dựng dinh thự.


Dinh thự có tổng diện tích gần 3000m2 được chia thành tiền dinh – trung dinh và hậu dinh với 4 nhà ngang 6 nhà dọc, trước thấp sau cao ( trung dinh và hậu dinh cao 2 tầng ).


Bố cục của Dinh thự giống với kiến trúc nhà của người Hoa, tại mỗi tiền – trung – hậu Dinh luôn là một khoảnh sân lộ thiên để nắng mưa được hội tụ tại đây và nước mưa sẽ thoát đi tại một miệng cống, trong phong thủy, cống này chính là nơi phóng thủy của căn nhà. 


Mỗi trường phái phong thủy khác nhau sẽ có cách phóng thủy khác nhau. Lấy vi dụ tại Tam Liêu – Cám Châu – TQ, các thầy phong thủy theo phái Dương Công sẽ lựa chọn phương phóng thủy theo Kỳ Lân thủy pháp, hoặc các thầy Tam hợp sẽ lựa chọn phóng thủy theo Tam Thần thủy v.v…Phóng thủy của một ngôi nhà là cực kỳ quan trọng, nó cũng tương tự như sự khỏe mạnh của hệ bài tiết tiết niệu trong cơ thể con người. Con người khỏe mạnh chính là uống nước tốt và thải ra nước tiểu, còn nếu thải ra máu kể như là nguy to, nên phong thủy cũng vậy, nhận nước vào phương tốt và phóng nước đi tại phương xấu. Nên qua phương vị phóng thủy của ngôi nhà chúng ta có thể phán đoán được phần nào ngôi nhà đấy được thầy phong thủy tư vấn theo trường phái nào.


Đo đạc bằng la kinh phong thủy tại khí khẩu của ngôi nhà cũng như một số vị trí thiên tỉnh của ngôi nhà, đồng nhất một điểm rằng Dinh vua Mèo được lập tọa Bắc hướng Nam, theo quan niệm của thuật phong thủy thì Bắc Nam là trục Đế Vương ( Khảm Ly thủy hỏa trung thiên quá – Long trì di đế tọa ), tọa Tý hướng Ngọ kiêm Nhâm Bính, Bính Tý phân kim, phóng thủy tại phương Ất Thìn. Theo Dương Công phong thủy, phân kim Bính Tý chính là một phân kim vượng cách, thượng thủy vượng, xuất công hầu, phát quan quý, vượng nhân đinh. Một bể hứng nước mưa bằng đá hơn 300 mét khối được đặt tại phía sau dinh thự cung cấp toàn bộ nhu cầu sinh hoạt cho ngôi nhà. 


Điều này khá phù hợp với Dương Công phong thủy khi nguồn cấp nước cho ngôi nhà đến từ phương tốt và thoát nước ở phương xấu. Nên người viết đoán rằng vua Mèo Vương Chính Đức có thể đã đi sang Trung Quốc qua Giang Tây và mời một thầy phong thủy tại Giang Tây. Giang Tây phong thủy tuy được coi như thuộc phái Hình Thế nhưng kỳ thực cơ sở lý khí của các học phái Giang Tây rất mạnh mà trong đó Dương Công phong thủy Cám Châu là một.

Ngoài ra, đối với quái tuyến của Dinh vua Mèo, nếu xét theo Tam Nguyên Huyền Không Đại Quái thì cũng khá là tốt. Tam nguyên tọa quái quẻ Khôn, hướng quái quẻ Càn – Nam bắc phụ mẫu quái phù hợp với Thượng nguyên vận. Quẻ Càn chủ tài phú hưng thịnh, sản nghiệp dồi dào, hễ quái tuyến lập quẻ này chủ có tổ chức hoạt động, lập thân lập nghiệp, không gì không thuận, vạn sự như ý, danh lợi song toàn là cát tượng gia lớn nghiệp lớn – Đại tại Càn nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thống thiên ( Bố cục phong thủy theo Huyền không thái dịch ).


Phía bên ngoài ngôi dinh thự, phía trước bên trái có tọa lạc hai ngôi mộ, trong đó có một ngôi của Vương Chí Sình – con trai thứ 2 và cũng là người nối nghiệp của vua Mèo. Ngôi còn lại là một ngôi mộ cổ, người viết muốn nhờ các bạn tinh thông Hán ngữ dịch giùm chữ trên bia. Ngôi mộ này có lực từ trường rất mạnh, khi đưa la kinh vào sát bia mộ hoặc các vị trí sát mộ thì kim la bàn sẽ bị hút cứng xuống. Vì là đang đi du lịch nên người viết cũng không có muốn khảo sát tiếp hai ngôi âm trạch này cũng như ngôi âm trạch của vua Mèo Vương Chính Đức.


Và vì sao sau Vương Chính Đức thì người kế tục lại là Vương Chí Sình – con trai thứ mà không phải con trai cả kế tục. Thiên Ngọc Kinh của bản phái có viết : Phân định tử tôn thập nhị vị - tai họa tương liên trị. Thai Mộc Dưỡng Sinh tham trưởng cộng, Quan Lâm Suy Vượng trọng…nên với ngôi nhà này, người con thứ sẽ được lợi. Vương Chí Sình làm việc cho chính phủ Hồ Chí Minh, thành đại biểu quốc hội khóa I và khóa II. Trước khi về hưu, Vương Chí Sình còn giữ chức chủ tịch huyện Đồng Văn. Vai trò vua H'Mông yếu dần, vì cùng hòa hợp với cả nước xây dựng một nhà nước thống nhất. Vương Chí Sình mất năm 1962 ở Hà Nội và linh cữu được đưa về Hà Giang, an táng tại Phó Bảng sau đó được cải táng về khu di tích nhà họ Vương như hiện nay.

Lời kết cho câu chuyện phong thủy Dinh vua Mèo : Phong thủy nào thì cũng hết thịnh đến suy, vật đổi sao dời. Một dòng họ lớn, một ngôi nhà thịnh vượng với những nhân vật tiếng tăm trong vùng. Tuy rằng đổi chủ, nhưng cũng như Bắc Kinh Tử Cấm Thành, ngôi nhà đã trở thành một di tích, một biểu tượng của vùng cao nguyên đá Hà Giang, và tin chắc rằng nó sẽ trường tồn với thời gian, với đất nước. Đối với một nơi khô cằn hữu sơn vô thủy, địa cuộc “ Kim Quy “ này đã là quá tốt rồi.

Hưng Nguyễn
[/tintuc]
CHAT VỚI CHÚNG TÔI