[tintuc]
Tại Hà Nội, rất nhiều bạn trẻ vốn ít muốn thử sức trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đã lựa chọn mô hình homestay.
Trần Văn Niên (1992) và người bạn thân có tổng cộng 220 triệu đồng khi quyết định đầu tư homestay. Niên và bạn thuê 1 căn nhà riêng trong ngõ có giá 15 triệu đồng/tháng trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), cách bờ Hồ khoảng 1km. Sau khi đặt cọc và nộp 3 tháng tiền nhà 60 triệu đồng, số tiền còn lại vừa vặn cho việc cải tạo, làm nội thất và chạy quảng cáo.
Hotel mini tại Phú Quốc |
Thời gian đầu mới hoạt động, Homestay của Niên và bạn khá khó khăn khi khách chưa biết tới, tỉ lệ phòng trống cao. Thế nhưng, đến nay sau gần 1 năm vận hành, trừ hết các khoản chi phí, mỗi tháng số tiền thu về dao động từ 15-24 triệu đồng. Tương tự, cách đây khoảng 2 năm, Hoàng Diệu Huyền (1990) bắt đầu kinh doanh homestay ở một khu đô thị thuộc tỉnh Hưng Yên, giáp ranh Hà Nội.
Căn hộ 60m2 với 2 ngủ, 1 vệ sinh được Huyền thuê lại từ chủ nhà với giá 6 triệu đồng/tháng. Huyền đổ thêm 120 triệu đồng để setup lại toàn bộ không gian căn hộ. Hiện căn homestay đang được Huyền cho thuê với giá 600 ngàn đồng/ngày với ngày thường và khoảng 700-800 ngàn đồng/ngày vào cuối tuần. Riêng thời điểm cuối tuần, homestay luôn full khách, các ngày trong tuần thì tùy từng thời điểm, tỉ lệ lấp đầy thấp hơn. Huyền cho biết sau khi trừ các chi phí thì một tháng cô bỏ túi được tầm khoảng chục triệu đồng.
Rủi ro không lường hết
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng thành công khi tham gia vào lĩnh vực này. Sau khi đi làm một thời gian, L.A.H (1990) và bạn quyết định nghỉ việc, rẽ ngang kinh doanh homestay. Nhưng homestay chỉ hoạt động được đúng nửa năm, A.H và bạn buộc phải đóng cửa do tình trạng thua lỗ triền miên.
Shop thương mại kết hợp Homestay tại Grand World Phú Quốc |
Theo A.H, nguyên nhân thất bại là Homestay thiếu một concept riêng. Để tiết kiệm chi phí, H và bạn tự xây dựng concept theo ý mình, không tham khảo những người có chuyên môn về kiến trúc, nội thất. Cuối cùng, concept căn homestay của H không hẳn là Hà Nội xưa hay căn hộ hiện đại, mà là sự lỡ cỡ vừa cũ vừa mới, không thống nhất, lôm côm và lộn xộn. Rất nhiều khách chê điều này.
Ngoài ra, do không sâu sát khâu dịch vụ nên homestay của H bị vote sao rất thấp trên fanpage, các ứng dụng đặt phòng online và các hội nhóm, cộng đồng cho thuê homestay. Chính bởi vậy, dù nhiều thời điểm đã giảm giá sâu để kích cầu, H vẫn không có khách, dẫn tới tình trạng thua lỗ triền miên.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thương (1994) lại gặp rất nhiều rắc rối với việc kinh doanh homestay. Vấp váp đầu tiên Thương trải qua là bị lừa khi nhận thanh toán tiền. Thương cho biết khi đó có khách đặt homestay và thông báo đã thực hiện chuyển tiền nhưng do thanh toán quốc tế, tài khoản của Thương không đủ điều kiện nhận tiền nên cần click vào 1 đường link để xác nhận.Nhẹ dạ và tin khách, Thương click vào đường link và toàn bộ số tiền trong tài khoản ngay sau đó "bay" mất.
Một lần khác, có khách đặt phòng cho 4 người nhưng thực tế nhóm khách này ở đến gần chục người. Không những thế, nhóm khách tổ chức tiệc tùng, ca hát ầm ĩ thâu đêm khiến hàng xóm phàn nàn. Tối muộn hôm đó, Thương phải đến yêu cầu nhóm khách này rời đi khi tổ trưởng tổ dân phố gọi điện ý kiến. Sau ồn ào đó, chủ nhà cũng quyết định đòi lại nhà, họ chấp nhận chịu phạt vì phá hợp đồng trước. Nhưng do hợp đồng lỏng lẻo mà số tiền Thương được đền bù rất ít ỏi, không thấm tháp so với số tiền cô đã đổ vào đó để cải tạo.
Đến giờ, Thương đang đi làm thuê để trả khoản nợ khi kinh doanh homestay.
Sau những vấp váp đó, Thương nhận ra những lỗi Thương mắc phải nếu chịu tìm hiểu kĩ, học hỏi từ những người đi trước hoàn toàn có thể tránh được.
"Một điều khác nữa là với người làm dịch vụ thì phải chu toàn từ những cái nhỏ nhất để mang đến cho khách sự hài lòng nhưng khi kinh doanh homestay tôi lại đại khái và qua quýt khiến homestay của mình luôn bị khách hàng phàn nàn",Thương chia sẻ thêm.
Theo Nguyên Nguyên
[/tintuc]